Bộ Lao động: ‘Việt Nam ít nghỉ lễ hơn nhiều nước’

0

Theo đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, số ngày nghỉ lễ chính thức trong năm của Việt Nam vẫn thấp hơn Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia… và không ảnh hưởng đến kinh doanh.
Lao động Việt Nam chỉ đạt điểm 4 trên 10
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân hôm nay (22/4), bà Đào Hồng Lan – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội nhận định Việt Nam hiện quy định có 10 ngày nghỉ lễ trong năm và con số này vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, Campuchia nghỉ lễ 27 ngày, Lào là 12 ngày, Philippines 18 ngày, Trung Quốc 17 ngày và Nhật Bản là 14 ngày.

“Việt Nam nghỉ lễ ở mức 10 ngày là phù hợp chứ không phải quá cao, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh”, đại diện Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội cho biết.

Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội cho biết Việt Nam nghỉ lễ ít hơn Trung Quốc, Nhật Bản.
Lập luận này của bà Lan được cho là đáp lại phát biểu của tiến sĩ Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trước đó, khi vị này cho rằng việc nghỉ lễ quá nhiều góp phần khiến cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam theo kiểu “đầu năm mua muối cuối năm mua vôi”, tức là đầu năm tăng rất thấp, cuối năm lại “bò lên”. “Khi hội nhập đây sẽ là vấn đề lớn. Nếu nghỉ nhiều quá, hạnh phúc theo kiểu riêng của dân tộc vậy sẽ rất xung đột”, ông Thiên nói.

Chia sẻ với VnExpress, tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi – Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay nghỉ lễ sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, song có thể giảm thiểu các tác động tiêu cực nếu nhà điều hành thông báo trước kế hoạch để doanh nghiệp có thời gian sắp xếp ca kíp, chủ động hàng hóa để giao hàng. “Tất nhiên nghỉ dài sẽ gây ảnh hưởng nhưng cơ quan quản lý phải thông báo trước. Bản thân doanh nghiệp có thể bố trí làm bù nên không ảnh hưởng lắm”, ông Lợi nói.

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cũng cho rằng năng suất lao động thấp đang là yếu tố hạn chế tăng trưởng. Tuy nhiên, theo bà Lan, với thời gian làm việc tối đa 48h một tuần hiện nay, Việt Nam đang nằm trong nhóm 46 nước có thời gian làm việc dài nhất, các nước còn lại đều là 40 – 45h hoặc thấp hơn.

Liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp đang đề xuất tăng thời gian làm thêm, mức 200-300h một năm hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội cho biết đang phải cân nhắc để phù hợp với lợi ích của cả người lao động và chủ doanh nghiệp. Bởi hiện nay, công nhân trong khu vực công nghiệp làm việc 8h, cộng với 4h làm thêm thì đã không có nhiều thời gian cho các hoạt động ở bên ngoài.

Theo tham luận tại diễn đàn, Ngân hàng Thế giới đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại Châu Á. Trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm. Nguồn nhân lực nước ta yếu về chất lượng, thiếu năng động và sáng tạo, tác phong lao động công nghiệp…

Nhắc lại số liệu công bố cuối năm ngoái của Tổng cục Thống kê cho biết, tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi cho rằng hiện nay năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng một phần mười tám năng suất lao động của Singapore, bằng một phần sáu của Malaysia, bằng một phần ba của Thái Lan và Trung Quốc.

Share.

About Author

Hỗ trợ trực tuyến
icon phone
Hotline: 0904 445 449 - 0962 547 449